Ticker

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

Giải đáp vướng mắc của hộ, cá nhân kinh doanh về khai thuế và sử dụng hóa đơn điện tử áp dụng từ năm 2022

 Nhằm hướng dẫn kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với hộ, cá nhân kinh doanh từ năm 2022 và các trường hợp được miễn thuế do bị ảnh hưởng của dịch COVID - 19 theo Nghị quyết 406/2021/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau đây là một số nội dung giải đáp những vướng mắc của hộ, cá nhân kinh doanh đã được cơ quan Thuế giải quyết: 

GIAI DAP CUA THUE
 1. Những vướng mắc liên quan đến việc xác định hộ, cá nhân kê khai nộp thuế theo phương pháp khoán, phương pháp kê khai. 

 Hỏi: Năm 2021, tôi được cơ quan Thuế xác định nộp thuế theo phương pháp khoán. Tôi không xác định được doanh thu thực tế năm 2021, vậy tôi có phải khai, nộp tờ khai 01/CNKD cho năm 2022 không?

 Trả lời: Năm 2022 hộ kinh doanh của anh/chị vẫn tiếp tục nộp thuế theo phương pháp khoán thì căn cứ điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1 -6-2021 của Bộ Tài chính, từ ngày 20-11-2021 đến ngày 5-12-2021 cơ quan Thuế phát tờ khai thuế năm sau cho tất cả các hộ khoán, anh/chị có trách nhiệm khai tờ khai khoán dựa vào doanh thu kinh doanh năm 2021, tình hình phát triển của cơ sở kinh doanh ...để đưa ra mức doanh thu và mức thuế khoán dự kiến. Thời hạn nộp tờ khai thuế chậm nhất là ngày 15-12-2021. Trường hợp năm 2022 hộ kinh doanh chuyển sang nộp thuế theo phương pháp kê khai, anh/chị căn cứ tình hình thực tế kinh doanh để thực hiện khai thuế, nộp thuế theo kỳ tháng/quý theo quy định tại điều 11 Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 1-6-2021 của Bộ Tài chính. 

  Hỏi: Căn cứ để xác định hộ khoán là gì? 

  Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì hộ, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (không phân biệt có đăng ký kinh doanh hay không). Tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định phương pháp tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh, gồm:Phương pháp kê khai, phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh, phương pháp khoán, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán gọi chung là hộ khoán. 

  Hỏi: Tôi là chủ hộ kinh doanh, theo tôi tìm hiểu thì từ 1-1-2022, hộ kinh doanh áp dụng chế độ kế toán theo thông tư 88/2021/TT-BTC. Hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội triển khai sử dụng hoá đơn điện tử, kê khai đầu vào, đầu ra. Kính mong quý cơ quan Thuế hướng dẫn đơn vị lập hoá đơn và kê khai theo quý/tháng? 

  Trả lời: Từ năm 2022 theo quy định mới của Luật Quản lý thuế số 38 thì hộ kinh doanh có thể lựa chọn nộp thuế theo phương pháp khoán như trước đây hoặc nộp thuế theo phương pháp kê khai (đối với hộ đáp ứng điều kiện là quy mô lớn thì bắt buộc phải nộp thuế theo phương pháp kê khai). 1. Nếu áp dụng phương pháp khoán thì thực hiện như sau: 1.1. Về đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán: Tại khoản 1, khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Cơ quan thuế xác định số tiền thuế phải nộp theo phương pháp khoán thuế (sau đây gọi là mức thuế khoán) đối với trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này”; “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”.Cụ thể về quy mô doanh thu và lao động như sau: + Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thì những hộ kinh doanh nào có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên, hoặc có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên. + Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì những hộ kinh doanh nào có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên, hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên. Căn cứ quy định nêu trên thì hộ kinh doanh trong mọi lĩnh vực ngành nghề nếu quy mô nhỏ thì áp dụng phương pháp thuế khoán, nếu quy mô lớn theo quy định nêu trên thì phải áp dụng phương pháp kê khai. 1.2. Về xác định doanh thu và mức thuế khoán Tại khoản 7, Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn: “Phương pháp khoán” là phương pháp tính thuế theo tỷ lệ trên doanh thu khoán do cơ quan Thuế xác định để tính mức thuế khoán theo quy định tại Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38”. Tại Mục 1, Phụ lục I danh ngành nghề tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn mức thuế đối với hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa (trừ giá trị hàng hóa đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng) là 1% đối với thuế giá trị gia tăng và 0,5% đối với thuế thu nhập cá nhân. Căn cứ các hướng dẫn nêu trên thì đối với hộ khoán, cơ quan Thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán trên cơ sở tờ khai của hộ kinh doanh, cơ sở dữ liệu của ngành Thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn Thuế xã/phường/thị trấn, tình hình phát triển kinh tế chung của địa bàn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế khoán theo thông báo của cơ quan thuế từ đầu năm. Nếu trong năm có thay đổi về hoạt động sản xuất, kinh doanh (tăng/giảm quy mô, ngừng, tạm ngừng kinh doanh) thì cơ quan Thuế sẽ thực hiện điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán theo thực tế. Đối với hoạt động bán lẻ hàng hóa (tạp hóa) ngoài thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh còn phải nộp lệ phí môn bài một lần từ đầu năm theo mức 300.000 đồng/1 năm nếu doanh thu trên 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/năm; mức 500.000 đồng/1 năm nếu doanh thu trên 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm; mức 1 triệu đồng/1 năm nếu doanh thu trên 500 triệu đồng/năm (tại NĐ 139/20216/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài). 1.3. Chế độ hóa đơn, chứng từ đối với hộ khoán Tại khoản 2, Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp thì đề nghị cấp, bán hóa đơn lẻ theo từng lần phát sinh. Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”. Tại điểm a.1, khoản 2, Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định: “Quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan Thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế theo từng lần phát sinh như sau: Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế theo từng lần phát sinh và hóa đơn bán hàng trong các trường hợp: Hộ, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 4, Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng. 2. Nếu áp dụng phương pháp kê khai 2.1. Về đối tượng nộp thuế theo phương pháp kê khai: Tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Tại khoản 1, Điều 8, Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Người nộp thuế cơ quan quản lý Thuế, cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức cá nhân có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế phải thực hiện giao dịch điện tử với cơ quan Thuế theo quy định của Luật này và pháp luật về giao dịch điện tử.” Tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn như sau: “ Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai. 2.2 Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ. 2.3 Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan Thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế. 2.4 Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán. 2.5 Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế”. Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì hộ kinh doanh nếu áp dụng phương pháp kê khai sẽ không áp dụng thuế khoán. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế theo phương pháp tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm theo hướng dẫn cụ thế tại Điều 5 Thông tư 40 nêu trên. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai khi áp dụng hóa đơn điện tử cần chuẩn bị điều kiện về hạ tầng thông tin, bao gồm: máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có thể kết nối mạng internet, chữ ký số và phần mềm lập hóa đơn điện tử. Hộ kinh doanh thực hiện khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử (tương tự như đối với doanh nghiệp) nếu có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Trường hợp hộ kinh doanh tại địa bàn chưa có đủ điều kiện hoặc cơ quan Thuế chưa triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế đối với hộ kinh doanh thì có thể khai thuế theo hồ sơ giấy. 2. Hộ kinh doanh cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan Thuế. 

  Hỏi: Xin hỏi những hộ kinh doanh như thế nào thì được phân loại là hộ kinh doanh quy mô lớn? 

  Trả lời: Việc phân loại hộ kinh doanh quy mô lớn dựa theo tiêu chí doanh thu hoặc lao động sử dụng nếu đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ trở lên, cụ thể là: - Đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng thì những hộ kinh doanh nào có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên, hoặc có tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên. - Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì những hộ kinh doanh nào có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm từ 10 người trở lên, hoặc tổng doanh thu của năm trước liền kề từ 10 tỷ đồng trở lên. 

  Hỏi: Xin hỏi hộ kinh doanh nào được kê khai theo quý và tháng? 

  Trả lời: Căn cứ quy định tại Điều 5 Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 1-6-2021 thì phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn (Hộ, cá nhân kinh doanh có quy mô lớn được quy định tại khoản 2 điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC) và hộ kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng tự lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai. Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng. Trường hợp đáp ứng tiêu chí kê khai theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 (Doanh thu bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống) thì thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý. 

  Hỏi: Hộ kinh doanh của tôi thực tế doanh thu các năm gần đây giảm nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID - 19, vậy làm sao để xin giảm mức thuế khoán? Xin cám ơn! 

  Trả lời: Căn cứ khoản 4, Điều 13, Thông tư số 40/2021/TT-BTC thì đối với hộ khoán, cơ quan Thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán trên cơ sở tờ khai của hộ kinh doanh, cơ sở dữ liệu của ngành Thuế, ý kiến của Hội đồng tư vấn Thuế xã/phường/thị trấn, tình hình phát triển kinh tế chung của địa bàn. Hộ kinh doanh sẽ nộp thuế khoán theo thông báo của cơ quan Thuế từ đầu năm. Nếu trong năm có thay đổi về hoạt động sản xuất, kinh doanh (tăng/giảm quy mô, ngừng, tạm ngừng kinh doanh, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh theo hướng dẫn tại điểm b, khoản 4, Điều 13, Thông tư số 40/2021/TT-BTC) thì hộ khoán đề nghị điều chỉnh doanh thu và mức thuế khoán). 

  Hỏi: Hộ kinh doanh có ngưỡng doanh thu trên 10 tỷ đồng thuộc đối tượng bắt buộc phải chuyển đổi phương pháp sang Hộ kê khai, nhưng nếu hộ kinh doanh không đáp ứng được về sổ sách kế toán thì có thể xin vẫn thực hiện theo phương pháp khoán thuế như trước đây được không? 

  Trả lời: Tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai.” Tại khoản 3, Điều 5, Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan Thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế.” Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, trường hợp hộ kinh doanh có phát sinh doanh thu trong năm trên 10 tỷ đồng thì bắt buộc phải nộp thuế theo phương pháp kê khai, không áp dụng thuế khoán. Trường hợp hộ kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán theo quy định dẫn đến không xác định được doanh thu hoặc xác định doanh thu không phù hợp thực tế thì cơ quan Thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo từng yếu tố (tương tư việc ấn định thuế đối với doanh nghiệp) quy định tại Điều 50 Luật Quản lý thuế. 

  Hỏi: Hộ kinh doanh bán vật liệu xây dựng và có doanh thu năm 2020 là 15 tỷ đồng và thường xuyên phải xuất hóa đơn để giao cho người mua hàng thì được xác định là hộ kinh doanh quy mô lớn phải không? Hộ phải thực hiện việc kê khai, nộp thuế và sử dụng hóa đơn như thế nào theo quy định mới để tránh việc vi phạm do không hiểu biết dẫn đến bị xử phạt? 

  Trả lời: Hộ kê khai không phải nộp thuế khoán như trước đây mà sẽ thực hiện sổ sách kế toán đơn giản, lưu giữ hóa đơn, chứng từ theo quy định và chủ động kê khai, nộp thuế theo thực tế phát sinh. Kỳ khai thuế sẽ là theo tháng hoặc theo quý mà không phải quyết toán vào cuối năm như doanh nghiệp. Trong hồ sơ khai thuế của hộ kê khai sẽ gồm một tờ khai để phản ánh doanh thu thực tế phát sinh trong kỳ và một phụ lục kèm theo tờ khai để phản ánh chi phí thực tế phát sinh trong kỳ. Việc yêu cầu phải kê khai thông tin về chi phí thực tế phát sinh trong kỳ là để cơ quan Thuế có cơ sở quản lý theo rủi ro đối với các trường hợp có dấu hiệu bất hợp lý giữa yếu tố đầu ra và đầu vào có thể việc thực hiện kiểm tra ngay tại địa điểm của hộ kinh doanh. Mặc dù cơ quan Thuế yêu cầu cung cấp thông tin về chi phí nhưng việc tính thuế phải nộp vẫn là tính theo tỷ lệ trên doanh thu, mà không tính trên chênh lệch như doanh nghiệp. Chế độ kế toán đối với hộ kinh doanh được Bộ Tài chính ban hành theo hướng đơn giản, chỉ yêu cầu ghi chép các sổ theo dõi doanh thu, chi phí mà không phải hạch toán tài khoản, không phải làm báo cáo tài chính như doanh nghiệp. Hộ kê khai sẽ sử dụng hóa đơn bán hàng mà không phải là hóa đơn giá trị gia tăng. Hộ kê khai cũng sẽ được sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan Thuế, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ rất thuận tiện khi cung cấp cho người mua hàng và sẽ không phải lưu trữ, bảo quản dẫn đến rủi ro khi bị mất hóa đơn khi sử dụng hóa đơn giấy như hiện nay. Trong thời gian cơ quan Thuế chưa hướng dẫn sử dụng hóa đơn điện tử đối với hộ kinh doanh thì hộ kinh doanh vẫn tiếp tục sử dụng hóa đơn giấy như thời gian trước đây. 

  Hỏi: Từ 1-1-2022 , hộ kinh doanh của tôi chuyển sang phương pháp kê khai, vậy hàng hóa còn tồn năm 2021 tôi không lưu đủ chứng từ và được ghi nhận vào sổ kho không? Để được ghi nhận thì phải làm như thế nào? 

  Trả lời: Tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Tại khoản 1, Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán lập hóa đơn điện tử phải giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.” Theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Thông tư 88/2021/TT-BTC ngày 11-10-2021 thì: “ Nội dung, hình thức hóa đơn, trình tự lập, quản lý và sử dụng hóa đơn (kể cả hóa đơn điện tử) thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế”. Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, từ 1-1-2022 tất cả giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Trường hợp các giao dịch phát sinh trước 1-1-2022, theo quy định trước đây hộ khoán không bắt buộc phải lưu giữ hóa đơn chứng từ, do đó sẽ phát sinh các trường hợp hàng tồn kho mua trước 1-1-2022 sẽ không có hóa đơn chứng từ theo quy định. Trường hợp này hộ kinh doanh tự xác định, tự chịu trách nhiệm khi cập nhật vào sổ kế toán đối với hàng tồn kho không có hóa đơn chứng từ được mua trước 1-1-2022. Cơ quan Thuế trong quá trình quản lý có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu và quản lý theo rủi ro đối với những trường hợp có dấu hiệu cập nhật giá trị hàng tồn kho không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu bán ra để tránh các trường hợp lợi dụng. 

  Hỏi: Hộ kinh doanh mở phòng khám chữa bệnh phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ thuế suất là bao nhiêu % trên doanh thu? Hộ kinh doanh hoạt động lĩnh vực giáo dục mầm non phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ thuế suất là bao nhiêu % trên doanh thu? 

  Trả lời: Căn cứ khoản 13 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, khoản 1 Điều 1 Thông tư số 130/2016/TT-BTC thì hoạt động khám bệnh được phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành, hoạt động dạy học thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gai tăng. Căn cứ Phụ lục I - Danh mục ngành nghề tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC, thuế suất áp dụng đối với những trường hợp trên như sau: + Hoạt động khám chữa bệnh: không chịu thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế thu nhập cá nhan là 2%. + Hoạt động dạy học: không chịu thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 2%. 

  Hỏi: Hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống chuyển sang phương pháp kê khai thì khi mua hàng hóa, thực phẩm của người nông dân thì cách ghi sổ đầu vào như thế nào? 

  Trả lời: Tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18-6-2014 của Bộ Tài chính thì trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN) trong các trường hợp: + Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; + Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra; + Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra; + Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; + Mua đồ dung, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng) Do đó, trường hợp hộ kinh doanh hàng ăn uống chuyển sang phương pháp kê khai khi mua hàng hóa, thực phẩm của người nông dân đáp ứng các điều kiện nêu trên thì được lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN và ghi Phiếu nhập kho; sổ chi tiết vật liệu, dụng cụ, sản phẩm, hàng hóa theo quy định tại Thông tư số 88/2021/TT-BTC ngày 11-10-2021 của Bộ Tài chính. 

  Hỏi: Năm 2022 hộ kinh doanh đăng ký phương pháp kê khai. Xin cho hỏi phương pháp tính thuế có thay đổi so với năm 2021 hay không? Đầu ra và đầu vào có bắt buộc phải có hóa đơn giá trị gia tăng hay không? 

  Trả lời: Tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý Thuế số 38 quy định: “Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai”. Tại khoản 1 Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38 quy định: “Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán lập hóa đơn điện tử phải giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.” Theo quy định tại khoản 3, Điều 4 Thông tư 88/2021/TT-BTC ngày 11-10-2021 thì: “Nội dung, hình thức hóa đơn, trình tự lập, quản lý và sử dụng hóa đơn (kể cả hóa đơn điện tử) thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế”. Tại Điều 5 Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn: - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý (Tiêu chí khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP: có tổng doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống). - Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán. Căn cứ quy định và hướng dẫn nêu trên, từ 1-1-2022 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế, nộp thuế theo tháng hoặc quý và phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định. Tất cả giao dịch mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định. 3. Sử dụng hóa đơn điện tử đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

  Hỏi: Hộ kinh doanh muốn được hướng dẫn về thông tin hoá điện tử và đặc biệt là các bước mà hộ kinh doanh cần làm để tiến hành sử dụng hoá đơn điện tử? 

  Trả lời: Để sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại NĐ 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC, cần thực hiện như sau: Trường hợp hộ kinh doanh là hộ khoán: khi phát sinh nhu cầu sử dụng hóa đơn, hộ khoán có thể trực tiếp đến cơ quan Thuế để được hỗ trợ cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh và phải nộp thuế trước khi cơ quan Thuế cấp hóa đơn. Trường hợp hộ khoán đã có tài khoản thuế điện tử, có điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin bao gồm: máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) kết nối mạng internet, thì có thể gửi đề nghị cấp hóa đơn lẻ theo mẫu 06/ĐN-PSĐT đến cơ quan Thuế trực tiếp qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (theo địa chỉ: hoadondientu.gdt.gov.vn) mà không phải trực tiếp đến cơ quan Thuế. Trong trường hợp này hộ khoán cũng có thể khai, nộp thuế điện tử cho phần phát sinh của hóa đơn đó mà không phải trực tiếp đến cơ quan Thuế, Kho bạc. Trường hợp hộ kinh doanh là hộ kê khai thì phải thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định trước khi sử dụng hóa đơn. Để sử dụng hóa đơn điện tử, hộ kê khai cần chuẩn bị điều kiện về hạ tầng thông tin, bao gồm: Máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có thể kết nối mạng internet, chữ ký số và phần mềm lập hóa đơn điện tử. Hộ kinh doanh cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan Thuế. 

Hỏi: Hộ kê khai sử dụng hóa đơn điện tử từ thời điểm nào và cần phải có điều kiện gì?

 Trả lời: Hộ kê khai có thể sử dụng hóa đơn điện tử từ 1-1-2022 theo lộ trình và thực hiện theo thông báo triển khai của cơ quan Thuế. Để sử dụng hóa đơn điện tử, hộ kê khai phải thực hiện thủ tục đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định trước khi sử dụng hóa đơn. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai khi áp dụng hóa đơn điện tử cần chuẩn bị điều kiện về hạ tầng thông tin, bao gồm: Máy tính/thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính bảng) có kết nối mạng internet, chữ ký số và phần mềm lập hóa đơn điện tử. Hộ kinh doanh cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan Thuế. 

  Hỏi: Hộ khoán đang sử dụng hóa đơn trực tiếp của cơ quan Thuế cấp, xin hỏi thủ tục chuyển sang hóa đơn điện tử thực hiện như thế nào? 

  Trả lời: Hộ khoán thuộc trường hợp được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế theo từng lần phát sinh cần thực hiện các thủ tục sau: -Theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 123/20202/NĐ-CP, hộ khoán gửi đơn đề nghị mua hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế theo mẫu số 06/ĐN-PSĐT. Hộ khoán thực hiện khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 13 Thông tư số 40/2021/TT-BTC. -Sau khi đã được cơ quan Thuế chấp nhận đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh thì thực hiện đăng nhập vào Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoadondientu.gdt.gov.vn theo tài khoản đã được gửi vào thư điện tử (email) của người đề nghị, để lập hóa đơn điện tử. 

  Hỏi: Hộ khoán muốn mua hoá đơn điện tử theo từng lần phát sinh (hóa đơn lẻ) thì chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa dịch vụ là gì? Quy định đối với hàng tồn kho của hàng hóa mua trước 1-1-2022 như thế nào? 

  Trả lời: Theo quy định tại điểm c, khoản 2, điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC thì trong các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế từng lần phát sinh của hộ khoán khi có nhu cầu hóa đơn lẻ để giao cho khách hàng phải kèm theo bản sao nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa dịch vụ, như: Bảng kê thu mua hàng hóa (chỉ áp dụng đối với hàng hóa là nông sản trong nước, hoặc hàng hóa mua bán trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu) ; hóa đơn của người bán giao cho (đối với các loại hàng hóa khác). Hóa đơn của người bán giao cho có thể là hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn bán hàng tùy theo đối tượng người bán được áp dụng loại hóa đơn nào. Trường hợp các giao dịch phát sinh trước 1-1-2022, theo quy định trước đây hộ khoán không bắt buộc phải lưu giữ hóa đơn chứng từ, do đó sẽ phát sinh các trường hợp hàng tồn kho mua trước 1-1-2022 có thể sẽ không có hóa đơn chứng từ theo quy định. Trường hợp này hộ kinh doanh tự xác định, tự chịu trách nhiệm khi cập nhật vào sổ kế toán đối với hàng tồn kho không có hóa đơn chứng từ được mua trước 1-1-2022. Cơ quan Thuế trong quá trình quản lý có trách nhiệm kiểm tra và quản lý theo rủi ro đối với những trường hợp có dấu hiệu cập nhật giá trị hàng tồn kho không phù hợp thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh thu bán ra để tránh các trường hợp lợi dụng. 

  Hỏi: Khi áp dụng hoá đơn điện tử, thì hộ kinh doanh có còn được mua và sử dụng quyển hoá đơn mua bán của Chi cục Thuế nữa không? 

  Trả lời: Theo quy định tại Điều 90 của Luật QLT số 38/2019/QH14 thì hộ kinh doanh sẽ áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Nếu là hộ khoán thì sẽ được cơ quan Thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh mà không phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Hộ kinh doanh được cơ quan Thuế thông báo chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC thì không được mua hóa đơn quyển của cơ quan Thuế (theo như quy định trước đây). Khi hộ kinh doanh được cơ quan thuế chấp thuận sử dụng hóa đơn điện tử thì phải thực hiện tiêu hủy hóa đơn đã mua của cơ quan Thuế. Hộ kinh doanh cần liên hệ trực tiếp với cơ quan Thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn đăng ký, sử dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình của cơ quan Thuế. 

  Hỏi: Xin hỏi hộ kinh doanh có thể sử dụng hóa đơn điện tử có mã hay hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan Thuế? 

  Trả lời: Căn cứ Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13-6-2019 thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan Thuế. Riêng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán cần có hóa đơn để giao cho khách hàng thì được cơ quan Thuế cấp hóa đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh và phải khai thuế, nộp thuế trước khi cơ quan Thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh. 

  Hỏi: Những loại hàng hóa nào khi hộ kinh doanh mua vào mà không cần hóa đơn? Và nếu được lập bảng kê thì lập theo mẫu bảng kê nào? 

  Trả lời: Tại điểm 2.4 khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18-6-2014 của Bộ Tài chính thì trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ (không có hóa đơn, được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN) trong các trường hợp: - Mua hàng hóa là nông sản, hải sản, thủy sản của người sản xuất, đánh bắt trực tiếp bán ra; - Mua sản phẩm thủ công làm bằng đay, cói, tre, nứa, lá, song, mây, rơm, vỏ dừa, sọ dừa hoặc nguyên liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của người sản xuất thủ công không kinh doanh trực tiếp bán ra; - Mua đất, đá, cát, sỏi của hộ gia đình, cá nhân tự khai thác trực tiếp bán ra; - Mua phế liệu của người trực tiếp thu nhặt; - Mua đồ dung, tài sản, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân không kinh doanh trực tiếp bán ra; - Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm). 

  Hỏi: Trường hợp hộ kinh doanh kê khai nộp thuế theo quý và doanh thu năm dương lịch trên dưới 1 tỷ đồng / năm thì có phải kê khai sử dụng hóa đơn điện tử? 

  Trả lời: Trường hợp hộ kinh doanh đủ điều kiện hoặc tự thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai thì phải đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC. Hộ kinh doanh liên hệ với cơ quan quan lý Thuế trực tiếp để được hướng dẫn cụ thể. 4. Miễn thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19 theo Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15: 

  Hỏi: Để miễn thuế theo nghị quyết 406 của UBTVQH thì các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải thực hiện theo thủ tục như thế nào? 

  Trả lời: Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 19-10-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 của Chính phủ không quy định hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải thực hiện thêm các thủ tục để được miễn thuế, mà cơ quan Thuế có trách nhiệm hỗ trợ trong việc xác định số thuế được miễn, cụ thể như sau: -Đối với hộ khoán thì Chi cục Thuế căn cứ số thuế khoán của các tháng trong Quý III và Quý IV năm 2021 của các hộ kinh doanh tại địa bàn chịu tác động của dịch COVID -19 trong năm 2021 để ban hành thông báo miễn thuế gửi trực tiếp đến từng hộ kinh doanh. -Đối với tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ thì hệ thống ứng dụng hỗ trợ khai thuế đã được Tổng cục Thuế nâng cấp để tự xác định số thuế được miễn trên hồ sơ khai thuế theo quy định tại Nghị định số 92/2021/NĐ-CP. 

  Hỏi: Tôi là hộ khoán, kinh doanh mặt hàng vật liệu xây dựng tại Hà Nội, được biết có quy định miễn thuế cho hộ kinh doanh 6 tháng cuối năm 2021 do bị ảnh hưởng dịch COVID - 19. Vậy hộ kinh doanh của tôi có được miễn thuế không? 

  Trả lời: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 19-10-2021 quy định một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27-100-2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15. Theo đó quy định: -Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương chịu tác động của dịch COVID -19 trong năm 2021. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số. -Các loại thuế được miễn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, bao gồm: Thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021. Như vậy, hộ kinh doanh vật liệu xây dựng thuộc trường hợp được miễn thuế khoán của quý III và quý IV năm 2021.

  Hỏi: Việc hỗ trợ miễn, giảm thuế hộ cá nhân là áp dụng cho tháng nào? Có cần báo cáo thuế cho các tháng được miễn, giảm hay không? 

  Trả lời: Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 19-10-2021 quy định một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID -19, đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27-10-2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/2021/NQ-UBTVQH15. Theo đó quy định, Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được miễn thuế là cá nhân cư trú hoạt động trong mọi ngành nghề, hình thức khai thuế, nộp thuế, có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn huyện, thị xã, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương chịu tác động của dịch COVID -19 trong năm 2021. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số. Các loại thuế được miễn đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bao gồm: Thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021. Như vậy, nếu trường hợp hộ kinh doanh của anh thuộc trường hợp được miễn thuế theo quy định trên thì được miễn thuế cho các tháng trong quý III và quý IV năm 2021. Theo Điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 92/2021/NĐ-CP: “Đối với trường hợp cơ quan Thuế không phải ra thông báo nộp tiền: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tổ chức, cá nhân khấu trừ, khai thay, nộp thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn quyển/lẻ tự xác định số thuế phải nộp sau khi miễn thuế để khai trên tờ khai thuế, đồng thời, lập bản xác định số thuế được miễn theo Mẫu số 01-1/PL-CNKD Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này để nộp kèm theo Tờ khai thuế”. Như vậy, hộ kinh doanh phải lập Bản xác định số thuế được miễn theo Mẫu số 01-1/PL-CNKD Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 92/2021/NĐ-CP để nộp kèm theo Tờ khai thuế cho các tháng được miễn của quý IV năm 2021. 

  Hỏi: Năm 2021 có miễn giảm thuế như thế nào đối với cá nhân kinh doanh cho thuê nhà? 

  Trả lời: Theo quy định tại Nghị quyết số 406/NQQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP thì “Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối vối hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID -19 trong năm 2021 do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh nghiệp từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.” Tại điểm b, khoản 2, Điều 2 Nghị định 92/2021/NĐ-CP quy định: “Các trường hợp đã nộp thuế phát sinh phải nộp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 thì sẽ được cơ quan Thuế xử lý bù trừ số tiền thuế nộp thừa với các khoản nợ hoặc khoản phát sinh của các kỳ tiếp theo và xử lý hoàn nộp thừa (nếu có) theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.” Căn cứ quy định nêu trên, hộ, cá nhân có tài sản cho thuê thuộc địa bàn chịu tác động của dịch COVID -19 trong năm 2021 theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc trường hợp được miễn thuế phải nộp phát sinh từ cho thuê tài sản của các tháng trong quý III, quý IV năm 2021. 

  Hỏi: Năm 2021, dịch COVID – 19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội theo quy định nên doanh nghiệp không kinh doanh được và chủ nhà đồng ý miễn, giảm thì kê khai thuế như thế nào? Cần hồ sơ gì và việc kê khai như thế nào? 

  Trả lời: Trường hợp hộ, cá nhân cho thuê nhà điều chỉnh hợp đồng cho thuê với doanh nghiệp thì thực hiện khai điều chỉnh thông tin theo phụ lục hợp đồng có điều chỉnh vào Bảng kê 01-1/BK-TTS kèm theo Tờ khai 01/TTS gửi cơ quan Thuế.